Từ ”osin” đến BTV và CEO

Nếu bạn có ước mơ, hãy theo đuổi nó bằng tất cả trái tim và đừng bao giờ bỏ cuộc”.

Ước mơ vào “Giảng đường đại học”

Tôi là cô gái được sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo thuộc tỉnh Thái Nguyên. Hầu hết các gia đình trong xóm tôi đều cho con gái họ nghỉ học để đi làm kiếm sống, phụ giúp gia đình. Gia đình tôi cũng không ngoại lệ, cả bố và mẹ đều nghĩ rằng “Con gái không cần học cao, vì sẽ đi lấy chồng, rồi lo việc nhà chồng….”. Mỗi ngày trôi qua, những quan điểm này cứ văng vẳng bên tai tôi, đã có lúc tôi nghĩ rằng mình sẽ chỉ học hết cấp 3 rồi sống cuộc đời như bao người con gái khác trong xóm.

Vào thời điểm học cấp 3, tôi đã từng dừng lại việc học của mình một thời gian vì định kiến của mọi người và hoàn cảnh gia đình khó khăn. Nhưng thật may mắn, tôi đã nhận được sự động viên từ phía cô giáo chủ nhiệm, các bạn học chung lớp và đặc biệt là gia đình của bố mẹ nuôi – một gia đình tri thức ở một thôn khác. Họ là những người đã giúp đỡ và chăm sóc tôi trong một lần tôi đi lạc ngày còn bé. Chính họ là nguồn động lực thôi thúc tôi tiếp tục với ước mơ đến trường, ước mơ đến với giảng đường Đại học.

Những tháng ngày một mình nơi đất khách

Sau khi tốt nghiệp cấp 3 ở xóm tôi ngày đó có rất nhiều các bạn, các em gái vào Sài Gòn làm công nhân may và tôi cũng theo họ để không phải chịu những áp lực từ gia đình.

Bản thân tôi không phải là học sinh giỏi, ngày còn học cấp 3 học lực của tôi chỉ ở mức trung bình khá. Thế nhưng, tôi rất thích học và không ngừng cố gắng vừa học vừa làm may để có tiền trang trải học phí từ những năm cấp 2, cấp 3. Với học lực trung bình khá lại có quá nhiều áp lực xung quanh gia đình, hàng xóm nên với tôi khi ấy được tốt nghiệp cấp 3 thôi là mừng rồi nên tôi không làm hồ sơ thi đại học và quyết định vào Sài Gòn để không phải chịu áp lực từ gia đình.

Vào Sài Gòn tôi lại tiếp tục nuôi ước mơ vào ‘’Giảng đường đại học’’, tôi cố gắng tìm việc ở các công ty may, bởi tôi đã có kinh nghiệm và tự tin vì cả 3 năm cấp ba, tôi đều dùng tiền may đồ mà mình kiếm được để tự lo trang trải học phí. Nhưng mọi thứ không dễ dàng như tôi nghĩ. Với công việc là công nhân may thì tôi phải thường xuyên tăng ca, điều đó đồng nghĩa tôi sẽ không có thời gian học, ôn lại kiến thức để thi đại học, đã vậy còn bị nhiều trung tâm giới thiệu việc làm lừa gạt mất tiền mà chẳng có việc,… Những năm tháng đầu vào Sài Gòn, tôi cô đơn, tôi nhớ nhà, tôi khóc nhiều đến nỗi bác sĩ chẩn đoán tôi bị khô giác mạc, đôi lúc mệt mỏi muốn trở về nhà, nhưng rồi nghĩ đến gia đình, nghĩ đến lý do vì sao mình lại vào Sài Gòn, tôi đã gạt bỏ những buồn tủi mà bước tiếp.

Để có thời gian buổi tối đi ôn thi, tôi chấp nhận làm ”osin” giúp việc cho một gia đình nọ. Ngày ở quê, mặc dù gia đình không khá giả nhưng vì là con út nên tôi luôn được cưng chiều, yêu thương. Tôi chẳng bao giờ nghĩ rằng mình sẽ làm osin để kiếm sống. Nhưng vì ước mơ, tôi đã chấp nhận gạt đi sự tự trọng để nuôi hy vọng buổi tối có thể đi ôn thi đại học. Mỗi ngày, tôi thức dậy từ 5 giờ sáng để đến gia đình chủ làm việc đến  6, 7 giờ tối. Rồi vội vàng trở về tham gia lớp học bổ túc vào ban đêm để ôn thi.

Nhưng vì thời gian làm việc ngày càng tăng nên việc tham gia lớp học cũng giảm dần. Vậy là tôi thi rớt Đại học. Ngày nhận tin thi rớt, tôi cảm thấy rất xấu hổ với gia đình, bạn bè, một lần nữa tôi đã nghĩ đến việc từ bỏ và trở về nhà, nhưng tôi đã không làm điều đó. Mặc dù gia đình luôn tạo điều kiện tốt nhất để ‘’dụ dỗ’’ tôi về, để bố mẹ và các anh chị yên tâm. Nhưng tôi vẫn quyết tâm ở lại và thi Đại học lần hai và kết quả tôi đã thi đậu 2 trường: Đại học Khoa học xã hội & Nhân Văn Tp. HCM và Cao đẳng công nghiệp (giờ là Đại học công nghiệp). Đây cũng chính là một nút thắt vô cùng quan trọng trong câu chuyện cuộc đời tôi, cũng như đối với gia đình và xóm làng của tôi. Vì trước đó làng tôi chưa từng có người nào thi đậu vào đại học đặc biệt là con gái. Cũng từ đây, xóm làng tôi bắt đầu có ý thức về việc cho con cái học lên cao hơn, thậm chí một vài người bạn tôi cũng quyết tâm ôn thi lại để học đại học.

Từ ”osin” đến BTV và CEO

Sau khi thi đậu 2 trường tôi đã quyết định chọn ngôi trường KHXH & NV Tp.HCM. Vì lúc ấy gia đình tôi rất khó khăn nên tôi chọn ngôi trường này vì học phí thấp, thậm chí tôi cũng không dám tin mình có đủ tiền để theo học hay không? Chỉ biết rằng cố gắng ngày nào được ngày đó.

Thật may mắn, sau khi thi đậu đại học gia đình tôi sẵn sàng hỗ trợ vay vốn ngân hàng để tôi có thể tiếp tục ước mơ của mình.

4 năm trên giảng đường đại học, vì áp lực cơm áo gạo tiền mà tôi phải làm rất nhiều công việc khác nhau từ giúp việc theo giờ, phát tờ rơi, bán mỹ phẩm, làm gia sư… để có thể trang trải tiền nhà, tiền học phí, tiền sinh hoạt…tôi đi làm nhiều và mệt đến nỗi đến lớp học là ngủ gục trên lớp vì mệt mỏi, vì thiếu ngủ…Nhưng kì thi nào tôi cũng đều vượt qua và lọt top 20% các bạn tốt nghiệp đợt đầu tiên của lớp.

Ngày tốt nghiệp thầy trưởng khoa dặn dò chúng tôi: ‘’Sau khi ra trường, các em có thể sẽ làm rất nhiều công việc khác nhau. Dù các em làm công việc gì hãy luôn nhớ mình là người khoa Văn, Văn học là nhân học thì các em sẽ thành công’’. Tôi thật sự rất ấn tượng lời dặn dò của Thầy nên luôn nhớ và cố gắng làm mọi việc một cách tốt nhất bằng cả trái tim. 

Sau khi ra trường, tôi loay hoay thử sức với rất nhiều vị trí khác nhau và rồi tôi bắt đầu làm việc trong một số công ty truyền thông. Thật may, tôi đã tìm được đam mê của mình, đam mê được đồng hành cùng những doanh nghiệp trong quá trình họ xây dựng và phát triển thương hiệu, đam mê được mang những thông điệp tốt đẹp đến tất cả mọi người… Chính những điều này đã mang tôi đến với ngành Truyền thông.

Nhờ 4 năm đèn sách ngành Văn học, cùng với niềm đam mê viết lách, kỹ năng viết và biên tập của tôi trở nên tốt hơn rất nhiều. Tôi trở thành chủ biên của ấn phẩm Ngôi sao doanh nhân và là biên tập viên, cộng tác viên cho một số báo đài. Mỗi ngày, tôi đều cố gắng học tập và nỗ lực để tìm hiểu về ngành truyền thông. Trải qua thời gian dài tích lũy kinh nghiệm, tôi thành lập công ty truyền thông Len Nguyễn Media. Len Nguyễn Media mang đến cho tôi những khách hàng, những đối tác thân thiết dần trở thành những người bạn, những người anh, người chị thân thiết trong công việc lẫn cuộc sống. Tôi hạnh phúc vì điều đó.

Nhìn lại hành trình từ những ngày đầu bước chân vào Sài Gòn, nhiều người hỏi: Vì sao tôi có thể một mình vượt qua những tháng ngày gian nan ấy? Với tôi có lẽ đó là sự KIÊN NHẪN, NỖ LỰC KHÔNG NGỪNG, VÀ KHÔNG BAO GIỜ TỪ BỎ!

Nếu bạn có ước mơ, hãy theo đuổi nó bằng tất cả trái tim và đừng bao giờ bỏ cuộc. Mỗi khó khăn xảy đến chỉ là thử thách mà thôi, nếu bạn vượt qua bạn sẽ thấy sự kì diệu của những ước mơ, của những nỗ lực cố gắng mà bạn đã cố gắng mỗi ngày.

Cảm ơn Bạn đã đọc và lắng nghe những chia sẻ về câu chuyện của tôi!

Nguyễn Thu Len

Rate this post